Giới Thiệu Tranh Dân Gian Hàng Trống

Tranh Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam:

Tranh điệp Đông Hồ  ( Hà Bắc)

Tranh Hàng Trống ( Hà Nội )

Tranh Đỏ Kim Hoàng ( Hà Tây )

Hàng Trống là một trung tâm làm tranh lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Đông Hồ. Cùng với tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng và một vài chi nhánh tranh nhỏ khác ở các nơi trong nước, tranh Hàng Trống đã góp phần rất lớn tạo nên nét độc đáo, có một không hai, sự đa dạng, sâu sắc, vẻ đẹp rực rỡ của tranh dân gian Việt Nam.

Tranh Hàng Trống cũng góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển nghề làm tranh dân gian, làm cho nghề làm tranh truyền thống Việt Nam trở nên phồn thịnh một thời. Những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh Hàng Trống, cũng như tranh Đông Hồ và kể cả tranh của cả dong tranh Kim Hoàng nữa, từ lâu đã rất nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn nhiều nước trên thế giới.

Có thể dễ dàng bắt gặp tranh Hàng Trống  ở nơi linh thiêng nhất trong các đền , miếu, điện thờ, trong các bộ sưu tập tranh  quý giá nhất của các tư nhân và các viện bảo tang ở nhiều nước  trên khắp các châu lục.

Để hiểu biết Việt Nam , hiểu sấu sắc them về nền văn hóa Việt Nam, mà một trong nhiều yếu tố của nền văn hóa lâu đời ấy, chúng ta không thể không biết tới những nét đặt sắc của tranh dân gian Việt Nam, trong đó có tranh Hàng Trống.

Sở dĩ gọi là “tranh Hàng Trống” là vì loại tranh này được sản xuất tập trung ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Tuy vậy , tranh Hàng Trống trước kia cũng được làm ở các phố Hàng Nón, hang Hòm, hang Quạt ( Hà Nội ), đồng thời bày bán  ở các phố ấy, nhưng tập trung làm và bán nhiều nhất vẫn ở Hàng Trống. Các phố làm tranh này, trước kia đều thuộc Tổng  Tiên Túc ( sau đổi thành Tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương (cũ) của Kinh Thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Phố Hàng Trống thuộc phần đất thôn Tự Tháp xưa kia. Đây là một khu vực nổi tiếng  về nhiều nghề thủ công mỹ nghệ: Tranh dân gian, các loại trống các cỡ, tàn ,lọng, mũ mãng, áo xiêm, cờ, quạt, các loại hòm, tráp sơn, các kiểu nón…

Người ta làm và bán các hàng thủ công ấy quanh năm, nhiều hơn cả là dịp Tết Nguyên Đán, phần lớn bán trong các cửa hiệu. Riêng tranh dân gian, ngoài các cửa hiệu, người ta còn bày bán từng quầy trên hè phố, nhất là vào dip cuối năm, để tiện phục vụ khách hàng sắm Tết.

Để bạn có cái nhìn toàn diện về dòng tranh Hàng Trống mà các nghệ nhân đã thể hiện các đề tài như sau:

Tranh thờ: loại tranh này phục vụ cho nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu. Do yêu cầu ấy, tranh thờ mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật tuy gần gũi mà vẫn rất thần bí. Đáp ứng ước vọng của tầng lớp trên và thị dân, có loại tranh “Phúc Lộc Thọ” (Tam Đa), đông con cháu để nối dõi “Thất Đồng”, “Tử Tôn Vạn Đại” …

Tranh sinh hoạt và thiên nhiên: “Chợ Quê”, “Canh nông chi đồ”, “Chim Công”, “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, “Tứ Quý”, “Tố Nữ” …

Tranh truyện và tranh vui: “Chuột vinh quy”, “Thầy đồ cóc”, “Truyện Kiều”, “Phạm Công Cúc Hoa”

Tranh Hàng Trống có kỹ thuật và phong cách khác biệt Tranh Đông Hồ trên đất Kinh Bắc (Hà Bắc). Nếu như ở Tranh Đông Hồ, in viền nét và in màu đều dùng bản khắc gỗ thì ở Tranh Hàng Trống in tranh chỉ dùng ván khắc gỗ in nét tranh trên chất liệu giấy dó … Các ván khắc in tranh đều phải theo mẫu tranh, các mẫu tranh do các nghệ nhân đảm nhiệm, gọi là “ra mẫu”. Người “ra mẫu” tranh thường là người giỏi nhất của từng nhóm thợ, rất tinh tê, giàu kinh nghiệm, nên khi đặt bút vẽ trên tờ giấy bản là lập tức hiện ra hình ảnh như bay như múa. Người vẽ mẫu cũng là người đặt lời trên tranh. Chữ trên tranh phải đạt mức: làm rõ nghĩa của tranh, làm cân đối them bố cục tác phẩm, mà không bị rườm rà. Có mẫu tranh phải sáng tác hàng tháng mới xong.

  Nghệ Nhân Lê Đình Liệu

Đã có không ít nghệ nhân sáng tác mẫu tranh trong suốt lịch sử phát triển tranh dân gian Việt Nam. Đáng tiếc là nhiều tên tuổi các cụ đã bị thất truyền. Đến nay, chúng ta chỉ biết một số nghệ nhân “ra mẫu” nổi tiếng ở thời cận đại và cận hiện đại, thuộc dòng tranh Hàng Trống. Đó là các cụ Lê Đình Thổ, Lê Đình Liệu (1910 – 1973), Vũ Văn Nghi.vv…

Tiếp sau đó đến công đoạn bồi tranh, công đoạn này là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành một tác phẩm, sự thành công và tồn tại lâu bền của tác phẩm phụ thuộc vào công đoạn này, nó là sự truyền đạt kinh nghiệm tích lũy, khéo léo của những nghệ nhân đời trước để lại cho đời sau. Sau khi đã có được bản in hoàn chỉnh thì người vẽ tranh dung bút long chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tùy theo nội dung, đường nét và các loại tranh. Do cách tô màu bằng tay (vờn màu bằng tay, nét cản) của tranh Hàng Trống có đặc điểm ở mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng.

Mặc dù có những hạn chế nhất định – do hoàn cảnh lịch sử, môi trường địa lý và đặc điểm tâm lý thị dân, nhưng dòng tranh Hàng Trống vẫn có những đóng góp đáng kể vào kho tang nghệ thuật dân gian Việt Nam, đã để lại những kiệt tác sống mãi với thời gian. Đó là bức tranh: “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, bộ tranh “Tố Nữ”, bộ tranh “Tùng Cúc Trúc Mai”, “Chim Công”, “Thất Đồng”, “Tam Đa”, “Chợ Quê”, … và hàng loạt tranh thờ như: “Ngũ Hổ”, “Bạch Hổ”, “Hắc Hổ”, “Đức Thánh Trần”, “Ông Hoàng Ba”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Tứ Phủ Công Đồng”, “Tam Phủ” …

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên

Bằng những tác phẩm ấy, tranh dân gian Hàng Trống còn lưu lại mãi trong tâm trí mỗi người Việt Nam chúng ta. Những tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống kể trên quả là những kiệt tác, chúng toát lên cái sinh động, tinh tế, ý nhị và sâu sắc lạ thường cả về nội dung lẫn hình thức. Phải thừa nhận rằng, ở những bức tranh này đã bộc lộ đầy đủ tài năng của những người nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống. So với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống có phần uyển chuyển hơn, sắc độ trên tranh cũng êm ái hơn. Đó là nét đặc sắc của dòng tranh này. Như vậy, trên đất Hà Nội, từ khu vực Hàng Trống đến các phố cổ Hàng Nón, Hàng Quạt, trước đây đã có một dòng tranh dân gian lớn mang tên tranh Hàng Trống. Phường tranh Hàng Trống tồn tại và phát triển rất lâu đời, rất nổi tiếng và trở nên phồn thịnh một thời. Những sản phẩm của trung tâm sản xuất tranh dân gian này hết sức độc đáo. Khá nhiều tranh Hàng Trống đã đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam, không thể trộn lẫn. Những bức tranh tuyệt mỹ của dòng tranh này được nhân dân Việt Nam đến nay vẫn ưa chuộng và là một niềm tự hào của chúng ta.

(Bài viết có sử dụng nội dung: Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam -Ths Bùi Văn Vượng)

 

Nghệ Nhân Tranh Dân Gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên

Tranh Hàng Trống đã từng là món ăn tinh thần một thời của người Hà Nội, và nói chung là của nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Hơn nữa, ảnh hưởng của nó còn lan rộng tới cả miền núi xa xôi, hẻo lánh. Trước Cách mạng tháng Tám (1945) chính quyền thực dân có lúc bắt các thợ tranh Hàng Trống phải in them dòng chữ “Pháp – Việt đề huề” trên tranh của mình nhằm ý đồ tuyên truyền chính trị. Sức sống của dòng tranh dân gian của người Hà Nội quả là mạnh mẽ! Vậy mà những người thợ tài hoa của dòng tranh Hàng Trống, tác giả của “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, “Tứ Quý”, “Tứ Bình”, “Chợ Quê”, “Bà Chúa Thượng Ngàn” … bây giờ đang ở đâu? Ai là người kế tục? Khi trên hè phố Thủ đô mỗi ngày được bày bán nhiều thêm những tranh, ảnh, lịch hiện đại của Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản

Thật may mắn, dòng tranh Hàng Trống tuy không còn rộn ràng, rực rỡ như xưa, nhưng vẫn ưu ái để lại một “hoa tay” dường như duy nhất trên đất Thủ Đô ta: nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Người thợ tranh Hàng Trống này ở số nhà 22A phố Cửa Đông – Quận Hoàn Kiếm. Ông thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình vốn có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín (Hà Tây) những đã lập nghiệp ở phố Hàng Trống (Hà Nội). Cụ Lê Xuân Quế, ông nội nghệ nhân Lê Đình Nghiên, khi xưa đã làm tranh. Còn bố của nghệ nhân này là ông Lê Đình Liệu tiếp nối. Đến ông Nghiên, cả nhà có 7 anh chị em, mà chỉ có một mình ông theo được nghề tranh gia truyền.

Nghệ Nhân Lê Đình Nghiên

Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mời ông tới làm việc, với một quyết định biên chế chính thức và với một yêu cầu cụ thể duy nhất: phục chế tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại bảo tàng.

Từ ngày ấy, Lê Đình Nghiên không chỉ làm tranh mà còn kiêm nghề phục chế tranh và chuyên về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ông vẽ tranh, in tranh, sửa chữa tranh theo mẫu cũ. Nhưng không dừng ở đấy mà còn sáng tạo ra tranh mới. “Kéo co” là bức tranh do ông sáng tạo, rất tiêu biểu, đã đóng góp them cho dòng tranh Hàng Trống một tác phẩm mới. Câu chuyện về làm bức tranh này đã thành một giai thoại. Số là vào những năm 1968 – 1970, Lê Đình Nghiên làm tranh theo hợp đồng với XUNHASABA (Công ty xuất nhập khẩu sách báo) có một khách hàng ngoại quốc đặt mua tranh “Rồng rắn” và tranh “Bịt mắt bắt dê” song không hiểu vì sao lại ghi nhầm thành tranh “Kéo co”.

Xưa nay chưa hề có khuôn tranh này thế mới rắc rối! Lê Đình Nghiên cùng với thân phụ của ông là cụ Lê Đình Liệu đã sáng tác ra khuôn mới để có được tranh “Kéo co” theo như hợp đồng.

Tranh “Kéo co” phỏng theo bức tranh “Bịt mắt bắt dê” xem kỹ thì thấy: phần vẽ nhà và người ngồi xem vẫn được giữ nguyên, còn đám trẻ con và con dê được thay bằng trò chơi kéo co. Mười đứa trẻ thơ ngây, xinh xắn, để đầu tóc trái đào, áo thụng, đi hài, chia thành hai phe kéo co và chưa phân thắng bại…

Thế là từ một sai sót trong thủ túc hành chính trong hợp đồng mua bán như thế đã thúc đẩy nghệ nhân sáng tạo ra tác phẩm mới, một đóng góp mới cho dòng tranh dân gian Hàng Trống của chúng ta. Trò chơi kéo co trong dân gian, một loại hình thể thao thượng võ cổ truyền đã đi vào tranh dân gian một cách thú vị như thế!

(Trích theo Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam – Ths Bùi Văn Vượng)